Ngày Hàng hải thế giới năm 2016 - cơ hội và thách thức đối...

Dự hội nghị có ông Bùi Thiên Thu - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dân – Phó chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, Nguyễn Vũ Hải – Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, PGS. TS. Đinh Xuân Mạnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; ông Nguyễn Chu Giang - lãnh đạo Văn phòng IMO Việt Nam, Giám đốc các Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa và đại diện các Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hội Người đi biển Việt Nam và hơn 100 đại diện các doanh nghiệp vận tải biển ở Hải Phòng.

Hội nghị đã nghe 8 tham luận của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam, Công ty cổ phần Hàng hải Liên Minh, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Đạt, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Trường Cao đẳng Hàng hải Việt Nam I về các nội dung: vai trò của thuyền viên, chính sách đối với thuyền viên, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế…

Việt Nam từ lâu đã quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Hàng hải và điều này được thể hiện trong các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 do Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua đã xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đến nay ngành vận tải biển thế giới nói chung và ngành vận tải biển Việt Nam nói riêng đã phải đối mặt với những khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra. Các chuyên gia hàng hải nhận định tình trạng ảm đạm của ngành vận tải biển toàn cầu sẽ còn kéo dài ít nhất trong nhiều năm nữa.

Do tình hình đó, các chủ tàu Việt Nam phá sản trong hai năm tới chắc chắn sẽ còn kéo dài. Hầu hết chủ tàu phải bán bớt tàu, cắt giảm chi phí, giảm định biên trên tàu, cắt giảm lương và các chế độ chính sách đối với thuyền thuyền viên, thậm chí nhiều chủ tàu mất khả năng tài chính. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động quản lý thuyền viên, trong đó có công tác đào tạo, tâm tư, tình cảm, đời sống của thuyền viên Việt Nam.

Theo PGS. TS. Đinh Xuân Mạnh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam tính đến ngày 31/12/2015, đội tàu treo cờ Việt Nam gồm 1.895 chiếc với tổng trọng tải 7,9 triệu DWT. Trong số 60 chủ tàu có đến 500 chủ tàu nhỏ, có doanh nghiệp chỉ sở hữu duy nhất 01 tàu. Đội tàu biển Việt Nam chỉ mới vận chuyển được khoảng 12% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và khoảng gần 90% hàng hóa đóng container giữa các cảng nội địa.

Theo báo cáo tham luận của ông Nguyễn Chu Giang – Phó Văn phòng IMO Việt Nam, tính đến nay, đội ngũ sỹ quan, thuyền viên được cấp chứng chỉ để làm việc trên tàu biển là 44.324 người; trong đó có 20.000 thuyền viên và 298 hoa tiêu hàng hải làm việc trên tàu biển, khoảng 6.721 thuyền viên hoạt động quốc tế.

Đánh giá một cách khái quát chất lượng đào tạo, cung ứng nhân lực thuyền viên  trong nửa thế kỷ qua có thể nói, nhìn chung thuyền viên Việt Nam là những người thông minh, nhanh nhẹn tháo vát, chịu khó học hỏi nghề nghiệp, dễ tiếp thu kiến thức, nắm bắt nhanh việc vận hành các máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên thuyền viên Việt Nam còn nhiều hạn chế như: kỹ năng thực hành, xử lý tình huống, ý thức tổ chức kỷ luật, hiểu biết về luật pháp…đặc biệt hạn chế lớn về năng lực tiếng Anh hàng hải.

Thuyền viên được coi là "linh hồn của những con tàu". Chất lượng thuyền viên được coi là yếu tố quyết định sự vận hành an toàn của tàu. Thế nhưng theo đánh giá khách quan của các công ty nước ngoài cũng như những nhận xét chủ quan của những chủ tàu trong nước về thuyền viên Việt Nam là "tay nghề và kinh nghiệm đi biển yếu, sức khoẻ còn rất hạn chế, ngoại ngữ yếu, ý thức làm việc, tác phong công nghiệp, sự hợp tác chưa cao và cuối cùng là chưa thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề".  Điều này cũng thể hiện trong các báo cáo kết luận điều tra tai nạn hàng hải và Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra đối với đội tàu Việt Nam. Và một thước đo khác là con số thuyền viên Việt Nam được tuyển dụng làm việc trên tàu nước ngoài quá thấp so với tỷ lệ được đào tạo.

Trang thiết bị phục vụ huấn luyện vừa thiếu, vừa cũ, lạc hậu làm giảm chất lượng đào tạo, huấn luyện; Đội ngũ huấn luyện viên cần được cập nhật và bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để nâng cao chất lượng giảng dạy; Phương pháp giảng dạy cần được cải tiến, đổi mới. Thêm vào đó, nội dung chương trình đào tạo, huấn luyện cũng phải được hoàn thiện, tăng thời lượng thực hành sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. 

Nhiều cơ sở đào tạo và huấn luyện thuyền viên trong toàn quốc được cấp phép nhưng chất lượng chưa đồng đều. Đôi khi còn có sự cạnh tranh chưa lành mạnh trong việc thu hút học viên; Thêm vào đó việc quản lý, đánh giá chất lượng đầu ra còn chưa chặt chẽ.

Rõ ràng, để có được một đội ngũ thuyền viên đạt yêu cầu, hệ thống quản lý đào tạo và huấn luyện hàng hải cả nước rất cần được củng cố và hoàn thiện.

Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực thuyền viên, trong thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ bổ sung sửa đổi, ban hành mới một số văn bản được điều chỉnh sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hoạt động của đội tàu biển, chủ động trong việc nghiên cứu đề xuất ký kết, gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề về công tác quản lý nhà nước đối với thuyền viên, đào tạo nguồn nhân lực thuyền viên đặt ra cần giải quyết.

Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp vận tải biển đã nêu các câu hỏi đối với cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải nhằm tháo gỡ các khó khăn và nâng cao chất lượng thuyền viên Việt Nam hiện nay. Các ý kiến tại Hội nghị đã kiến nghị nhà nước cần xây dựng mô hình quản lý thuyền viên thống nhất trong cả nước, xây dựng mạng lưới đào tạo huấn luyện, đổi mới mô hình đào tạo, đặc biệt là đổi mới thiết bị dạy và huấn luyện thuyền viên. Đồng thời có cơ chế thích hợp và chính sách thỏa đáng khuyến khích thuyền viên gắn bó với nghề, tăng cường vai trò của hiệp hội, công đoàn hàng hải với thuyền viên và gia đình thuyền viên…

* Tháng 3/2016 Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) MO đưa ra chủ đề của ngày Hàng hải thế giới năm 2016 đó là "Vận tải biển: không thể thiếu đối với thế giới". Chủ đề được chọn nhằm nhấn mạnh mối liên kết quan trọng giữa vận tải biển và xã hội toàn cầu, nâng cao nhận thức về vai trò cần thiết của IMO với tư cách là cơ quan đưa ra các quy định mang tính toàn cầu cho vận tải biển quốc tế. Tầm quan trọng của vận tải biển trong việc hỗ trợ và duy trì xã hội toàn cầu hiện nay khiến công việc của IMO mang một ý nghĩa quan trọng vượt ra khỏi phạm vi ngành công nghiệp riêng của mình.

Trong hơn 50 năm qua, IMO đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng và thông qua một khuôn khổ toàn diện các quy định toàn cầu bao gồm an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường, các vấn đề pháp lý và các lĩnh vực khác. Trong khuôn khổ các quy định này, vận tải biển ngày càng trở nên an toàn hơn, hiệu quả hơn và thân thiện môi trường hơn. Ngày Hàng hải Thế giới sẽ được tổ chức kỷ niệm tại trụ sở của IMO vào ngày 29/9/2016, nhưng các sự kiện và các hoạt động khác với chủ đề này sẽ được tổ chức trong suốt cả năm 2016. Sự kiện song hành Ngày Hàng hải Thế giới năm nay sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 năm 2016.

Ngô Đức Hành