Quản lý nước ngọt trên tàu biển

Quy định trên tàu buôn (nơi sinh hoạt của thuyền viên) năm 1997 yêu cầu việc cung cấp nước uống và nước ngọt trên tàu phải phòng tránh được các nguy cơ nhiễm bẩn. Ngoài ra, Qui định năm 1997 còn yêu cầu cung cấp nước nóng sạch và nước uống lạnh ở các bồn rửa bát, rửa tay hoặc các thiết bị dùng để rửa tại bếp.

Bên cạnh đó, Quy định 3.2 trong Công ước quốc tế về Lao động hàng hải, MLC-2006, đề cập đến thực phẩm và nước uống cho thuyền viên như sau:

Đảm bảo rằng các thuyền viên được cung cấp các thực phẩm và đồ uống có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh.

Các nước thành viên cần đảm bảo rằng các tàu treo cờ nước mình có đầy đủ thực phẩm và nước uống đảm bảo về chất lượng, giá trị dinh dưỡng, số lượng để phục vụ cho các thuyền viên trên tàu, đặc biệt cần xét tới sự khác biệt về cách ăn uống xuất phát từ sự khác biệt về văn hoá, dân tộc và hoàn cảnh xuất thân.

Các cơ quan chức năng có quyền yêu cầu việc kiểm tra thường xuyên trên tàu thuộc thẩm quyền của thuyền trưởng hoặc cấp thấp hơn về nguồn thực phẩm và nước uống trên tàu, các không gian và thiết bị sử dụng để bảo quản và chế biến thực phẩm, nước uống trên tàu.

Quản lý nước không tốt sẽ tạo ra nguồn lây truyền bệnh trên tàu. Bệnh dịch bùng phát có liên quan nhiều đến nguồn nước chuyển lên tàu bị nhiễm bẩn, lẫn giữa nước uống được và không uống được, bơm không đúng qui trình, do thiết kế và chất lượng kém của các két chứa nước uống và khử trùng nước uống không thích hợp. Do vậy, để đảm bảo chất lượng, số lượng nước uống, nước ngọt cung cấp cho thuyền viên, tàu cần xây dựng kế hoạch quản lý nước và thực thi một cách triệt để kế hoạch này.